Theo đó, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 có 7 Chương, 50 Điều và có một số nội dung lưu ý như sau:
Về vị trí, chức năng Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Về số lượng cấp phó, Luật tổ chức Chính phủ quy định số Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 05; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 06. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 03; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 04.
Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ được thực hiện kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một phiên hoặc họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Chính phủ.
Phiên họp của Chính phủ chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Chính phủ tham dự. Các quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng Chính phủ đã biểu quyết.